Loạt phim Squid Game đang gây ra cơn sốt thực sự trong giới trẻ khi được xếp thứ hai trong danh sách top chương trình trực tuyến hàng đầu của Netflix toàn cầu. Không chỉ gây ấn tượng bởi nội dung hấp dẫn, Squid Game còn đề cập đến những góc tối trong nền kinh tế Hàn Quốc. Góc tối ấy càng được bộc lộ rõ khi nước này phải đối mặt với dịch COVI’D-19.
Người giàu có là những kẻ quy định luật chơi
Từ hình ảnh những người hầu với những hoa văn chằng chịt trên người cho đến sinh mạng mong manh của những kẻ yếu thế, tất cả đều cho thấy quyền lực của tầng lớp thượng lưu. Họ là người đặt ra quy luật của toàn bộ trò chơi, cách thức mọi thứ vận hành với một mục đích rất đơn giản: để mua vui cho họ. Và ngay khi trò chơi bớt dần sự thú vị, chúng có thể bị thay đổi bất kỳ lúc nào trước sự bất lực của kẻ dưới trướng.
Điển hình cho việc này chính là ở vòng chơi nhảy qua các tấm kính. Tại thời điểm phát hiện một người chơi có thể nhìn vào những tấm kính để phân biệt đâu là kính cường lực, quản trò đã ngay lập tức tắt đèn đi để đảm bảo tính giải trí của trò chơi khi người tham gia phải mạo hiểm tính mạng. Mặc dù tên quản trò vẫn ra rả về sự “công bằng”, hắn không hề cho biết rằng “sự công bằng” này được quy định bởi người giàu có trong xã hội.
Điều này phản ánh góc khuất của nền kinh tế tư bản nói chung và chủ nghĩa tư bản của Hàn Quốc nói riêng, khi phải đánh đổi giữa mức độ tăng trưởng, mức độ công nghiệp hóa cao với khoảng cách giàu nghèo trong xã hội. Hầu như chính phủ Hàn rất ít hoặc không có sự can thiệp vào nền kinh tế của nước này, mang đến sự tự do cho thị trường, điều mà các quốc gia tư bản luôn khao khát.
Vòng luẩn quẩn của tầng lớp dưới đáy xã hội
Người chơi Squid Game là tầng lớp dưới đáy của xã hội với những khoảng nợ chồng chất. Những khoảng nợ này bịt kín căn cửa giúp họ vươn lên bậc thang của những tầng lớp cao hơn trong xã hội. Thực tế, ước tính cần hơn 17 năm không chi tiêu để mua được nhà ở thủ đô Hàn Quốc nếu mức lương của bạn bằng với thu nhập bình quân ở quốc gia này.
Theo báo cáo của Kookmin Bank, tỷ lệ chi phí trên thu nhập bình quân tại thủ đô Seoul đã tăng lên mức 17,4% trong quý I/2021, cao hơn so với 13,9% cùng kỳ năm trước. Cụ thể, điều này có nghĩa là một người bình thường sẽ phải tiết kiệm đến 17,4 năm mà không chi tiêu gì mới đủ mua nhà ở Seoul.
Điều này phản ánh chính sách điều hành thị trường bất động sản hiện nay của Hàn Quốc có rất nhiều lỗ hổng. Cụ thể, chúng làm xói mòn niềm tin trong dân chúng do giá nhà ngày một cao bất chấp những quy định nhằm bình ổn thị trường.
Theo báo cáo của tổ chức tư vấn LAB2050, tính đến tháng 3/2020, 2% tầng lớp giàu nhất Hàn Quốc tính theo sở hữu nhà ở đang nắm giữ bình quân 3.08 tỷ Won giá trị bất động sản, tương đương 2,63 triệu USD.
Khoảng 80% số người giàu này sống ở trung tâm các thành phố lớn như Seoul trong khi những hộ gia đình thuộc 30% tầng lớp nghèo nhất lại chẳng có bất động sản nào.
Điều này dẫn đến sự bất bình đẳng bất động sản khi các hoạt động đầu cơ, thừa kế khiến rất nhiều người hưởng lợi từ đầu còn những hộ nghèo không có nổi nhà lại chẳng kiếm đủ tiền mua căn hộ. Tồi tệ hơn, cơ hội kiếm nhà ngày càng gian nan với đà tăng giá như hiện nay.
Sự bất bình đẳng này đang đe dọa đến nền kinh tế bởi thay vì cố gắng tăng thu nhập bằng cách đóng góp cho xã hội, mọi người lại chỉ chăm chăm kiếm tiền nhờ cho thuê bất động sản hoặc đầu cơ nhà đất.
Thất nghiệp gia tăng đáng kể
Điều này được phản ánh rõ rệt trong Squid Game khi nhân vật chính đại diện diện cho phần đông những thanh niên thất nghiệp, nghiện cờ bạc và mắc nợ lên đến hàng trăm triệu won. Tính đến thời điểm hiện tại, Hàn Quốc đã mất nhiều việc làm nhất trong 2 thập kỷ và tỷ lệ thất nghiệp ở nước này tăng lên mức cao nhất trong vòng 10 năm, khi làn sóng Covid-19 mới buộc các doanh nghiệp phải sa thải hàng loạt.
Theo số liệu Chính phủ Hàn Quốc công bố đầu năm 2021, số việc làm ở nước này giảm 628.000 công việc so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu tháng giảm thứ 10 liên tiếp và là mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 2/1999 – thời điểm nước này vừa trải qua cuộc khủng hoảng tài chính châu Á.
Thất vọng vì những rào cản cao, một số người đã từ bỏ việc tìm kiếm công việc.Trung bình phải mất 10 tháng để những người trẻ có công việc đầu tiên sau khi học xong ở trường, và trong đó có nhiều trường hợp đã đầu tư chuẩn bị cho công việc trong nhiều năm, chẳng hạn như theo học cao học, tham gia những kỳ thi công chức,…
Mặc dù với tỷ lệ thất nghiệp cao, thế hệ trẻ Hàn Quốc không ngại hy sinh một khoảng thời gian đáng kể cho đến khi họ có được công việc mà bản thân mong muốn hơn là bắt đầu với bất kỳ công việc nào.
Sự thật cho thấy thị trường lao động Hàn Quốc gặp thế tiến thoái lưỡng nan. Những công việc được ưu tiên nhất là những công việc ổn định tại các tập đoàn lớn hoặc trong doanh nghiệp nhà nước. Các vị trí ít được ưu tiên hơn thường là tại các doanh nghiệp nhỏ. Trong khi tình trạng thất nghiệp vẫn đang diễn ra, theo thống kê cho thấy, những nhân viên bán thời gian ở các doanh nghiệp nhỏ đều muốn được đảm nhận nhiều việc hơn.
Tuy nhiên, rất khó để có được một công việc tại các công ty lớn. Viện Nghiên cứu Kinh tế Hàn Quốc (KERI) gần đây đã chỉ ra trong một báo cáo rằng 86,1% những người được các doanh nghiệp thuê ở Hàn Quốc đang làm việc cho các doanh nghiệp nhỏ, cao hơn nhiều so với mức trung bình 53,6% ở các nước G5: Mỹ, Anh, Đức, Pháp và Nhật Bản.
Hơn nữa, số lượng nhỏ các doanh nghiệp lớn này đang giảm thiểu việc tuyển dụng. Theo một cuộc khảo sát với 500 doanh nghiệp hàng đầu của đất nước, chỉ có 121 doanh nghiệp có kế hoạch thuê lao động mới trong nửa cuối năm nay. Trong số năm tập đoàn hàng đầu – Samsung, Hyundai Motor, SK, LG và Lotte – chỉ có Samsung có kế hoạch tiếp tục tuyển dụng ồ ạt những người tìm việc trẻ mới ra trường. Giờ đây, các công ty thích thuê một số công nhân họ cần theo thời vụ hơn là mở các vòng thi tuyển dụng hàng loạt.
Thất vọng vì những rào cản cao, một số người đã từ bỏ việc tìm kiếm công việc. Theo KERI, có 219.188 thanh niên từ bỏ tìm kiếm việc làm tính đến năm 2020, tăng 18,3% so với năm 2015. Khi được hỏi tại sao họ từ bỏ việc tìm kiếm việc làm, 33,8% nói rằng họ không nghĩ rằng họ sẽ có thể tìm được công việc đáp ứng được yêu cầu của họ, về tiền lương hay điều kiện làm việc.
Nguồn: Bloomberg