Để xem xét quyền lợi cho những thí sinh đạt điểm cao nhưng không trúng tuyển đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết đã trao đổi với một số trường đại học lớn và các trường sẵn sàng xét tuyển bổ sung những thí sinh này.
Mùa tuyển sinh 2021 chứng kiến hiện tượng điểm chuẩn tăng vọt ở một số ngành học. Mức tăng nằm ngoài tưởng tượng, dự đoán trước đó của nhiều người, khi “tăng nhẹ” cũng lên đến 3-4 điểm, nhiều ngành tăng đến 9-10 điểm.
Nhiều thí sinh điểm cao đã “ngỡ ngàng”, “sốc” khi đặt đến 10 hay 20 nguyện vọng nhưng vẫn trượt ngay cả nguyện vọng được coi là chống trượt. Những ngày qua, nhiều em bày tỏ sự hoang mang và chưa thể vượt qua “cú sốc” đầu đời rằng mình đã trượt đại học.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong kỳ xét tuyển vừa qua, số thí sinh đạt 27 điểm thực (cho tổng 3 môn, chưa tính điểm ưu tiên) trở lên nhưng không trúng tuyển nguyện vọng xét tuyển nào là 165 em, có 3 em trong số này có tổng điểm trên 28 điểm.
Trong 165 em, có 51 em đăng ký xét tuyển vào các trường khối dân sự, 114 em xét tuyển vào các trường công an, quân đội (bao gồm cả 61 em như Bộ GDĐT đã cung cấp thông tin trước đó với điểm xét tuyển – đã cộng điểm ưu tiên, điểm học bạ – đạt từ 29,5 điểm xét trở lên nhưng không trúng tuyển nguyện vọng nào).
Trong số 114 em đăng ký xét tuyển vào các trường công an, quân đội, có 97 em chỉ đăng ký 1 nguyện vọng duy nhất. Trong số 51 em đăng ký xét tuyển vào các trường khối dân sự, có 10 em chỉ đăng ký 1 nguyện vọng duy nhất.
Để xem xét quyền lợi cho các em, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết đã trao đổi với một số trường đại học lớn, các trường cho biết sẽ sẵn sàng xét tuyển bổ sung những thí sinh có kết quả thi THPT cao và thuộc đối tượng như trên, căn cứ vào nguyện vọng và điểm đạt được theo điểm chuẩn của từng ngành học cụ thể.
Sửa kết quả kỳ thi tốt nghiệp để xét tuyển đại học đã không còn phù hợp?
Lý giải cho hiện tượng điểm chuẩn năm nay tăng vọt ở nhiều ngành, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn đưa ra 3 lý do.
Trong đó nguyên nhân quan trọng nhất là số thí sinh xét tuyển đại học tăng, trong khi tổng chỉ tiêu của cả hệ thống tăng không đáng kể. Lý do thứ hai liên quan đến xu hướng chọn ngành nghề của học sinh và thứ ba là điểm bài thi môn tiếng Anh tăng một cách hợp lý.
Còn theo các chuyên gia, điểm chuẩn tăng cao, đặc biệt xảy ra hiện tượng điểm chuẩn trên 30 là điều không bình thường, điều này cho thấy đề thi tốt nghiệp THPT năm 2021 phân hóa chưa tốt.
Thầy Vũ Khắc Ngọc – giáo viên Hệ thống Giáo dục HOCMAI – cho rằng, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và hiệu lực của Luật Giáo dục sửa đổi, từ năm 2020, kỳ thi THPT quốc gia đã được thay thế bằng kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tính chất, mục tiêu của 2 kỳ thi hoàn toàn khác nhau dẫn tới sự phân hóa của đề thi và kết quả đạt của thí sinh cũng hoàn toàn khác nhau.
Nếu như kỳ thi THPT quốc gia có tính chất “2 trong 1”, kết quả vừa dùng để xét công nhận tốt nghiệp THPT, vừa làm căn cứ xét tuyển đại học – cao đẳng nên tính chất phân hóa của đề thi tốt và rõ nét hơn, thì kỳ thi tốt nghiệp THPT gần như chỉ còn 1 mục tiêu duy nhất là làm căn cứ xét tốt nghiệp, đề thi trở nên dễ hơn, giới hạn và phạm vi kiến thức hẹp hơn, tính chất phân hóa kém hơn hẳn.
Điều đáng tiếc là mặc dù kỳ thi đã bỏ đi tính chất “2 trong 1”, nhưng thực tế các trường đại học vẫn chưa thể có được giải pháp thay thế khác đủ tin cậy. Mặc dù đã đa dạng hóa các phương thức tuyển sinh, tăng tỉ lệ tuyển sinh bằng các phương thức khác như: Tuyển thẳng bằng giải thưởng học sinh giỏi, tuyển thẳng bằng xét tuyển học bạ, tuyển thẳng bằng xét tuyển kết hợp với chứng chỉ quốc tế…. nhưng kết quả thi tốt nghiệp THPT vẫn là căn cứ chủ yếu để các trường đại học, cao đẳng sử dụng trong xét tuyển, nhất là khi các kỳ thi riêng rất khó tổ chức do diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19.
Còn theo GS-TS Hoàng Văn Cường – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học kinh tế Quốc dân, khi một kỳ thi phân loại không rõ mà được dùng làm cơ sở để tuyển sinh đại học, thì sẽ khó giúp các trường chọn được người giỏi.
Nguồn: Báo Lao Động