Charles Dickens từng nói không có gì trên thế giới dễ lây lan như tiếng cười.
Tuy nhiên, điều gì sẽ xảy ra nếu một ngày nào đó bạn cười không thể ngừng và lây lan sang người khác? Chuyện kỳ lạ này đã xảy ra tại một ngôi làng xa xôi ở châu Phi và trở thành một bí ẩn khó giải đáp.
Theo báo cáo năm 1963 của Central African Medical Journal, dịch cười (Tanganyika laughter epidemic) bắt đầu vào ngày 30/1/1962 tại trường nữ sinh Kashasha ở vùng Bukoba, Tanganyika.
Mọi việc bắt đầu bằng tiếng cười không dứt của 3 nữ sinh. Ban đầu, giáo viên cho rằng nhóm học sinh này không nghiêm túc và yêu cầu họ ra ngoài tự kiểm điểm. Nhưng sự lo lắng dần xuất hiện khi tiếng cười như một loại virus lan rộng toàn trường. Bất kỳ ai tiếp xúc với người “bị nhiễm bệnh” đều bật cười không dứt ngay lập tức.
Cơn sợ hãi dấy lên. Cơn cười của bệnh nhân khởi phát đột ngột, xuất hiện ở bất kỳ đâu và kéo dài từ vài giờ đến 16 ngày. Ngôi trường đã buộc phải đóng cửa vào tháng 3 – thời điểm sau 2 tháng xảy ra sự việc và khiến 95 trên tổng số 159 học sinh bị nhiễm bệnh. Thậm chí, cha mẹ tới đón con cũng không nhịn được cười khi tiếp xúc với bệnh nhân nào đó.
Mười ngày sau khi ngôi trường trên đóng cửa, “virus cười” lại bất ngờ xuất hiện ở ngôi làng cách đó 55 dặm (khoảng 89 km). Một số cô gái trong làng đã bị bệnh sau khi ghé qua trường trong lúc đóng cửa. Tổng cộng 127 dân cư của ngôi làng cười ngày đêm không dứt.
Bệnh cười lại tiếp tục lan rộng ra khắp vùng nông thôn của Tanganyika, thậm chí còn lan sang nước láng giềng Uganda “như đám cháy rừng”, “trận tuyết lở”. Báo cáo từ Central African Medical Journal cho thấy có tới hơn 1.000 nạn nhân của dịch cười này với mọi lứa tuổi, giới tính. 14 trường học bị ảnh hưởng đã buộc phải đóng cửa trong nhiều tháng. Dịch cười tái phát nhiều lần trong gần một năm.
Cố gắng lý giải hiện tượng dị biệt
Không ai biết lý do xảy ra tình trạng trên là gì. Theo Metalfloss, các bệnh nhân này đều không có biểu hiện bất thường về tâm lý hay thể chất. Ngoài việc cười không ngừng, sức khỏe của họ hoàn toàn bình thường.
Chính điều đó đã thách thức các nhà nghiên cứu tìm câu trả lời cho hiện tượng đặc biệt và duy nhất này.
Giáo sư tâm lý học Robert Provine tại Đại học Maryland phát hiện mọi người thường không cười vì điều gì đó hài hước. Thay vào đó, họ sử dụng nụ cười, tiếng cười để gắn kết xã hội, biểu thị thông điệp về hòa bình. Và nó có thể lây lan.
Với cơ sở đó, ông Robert đưa giả thuyết dịch cười Tanganyikan là ví dụ ấn tượng về sức lan của tiếng cười.
Giả thuyết khác do nhà sinh học hành vi Silvia Cardoso, Đại học Campinas ở Brazil, đưa ra cho rằng dịch cười ở Tanganyikan có thể bắt nguồn từ virus. Trong bài phỏng vấn với New Scientist năm 2002, nữ nhà khoa học đưa quan điểm phản ứng tâm lý thuần túy sẽ không thể kéo dài và lan rộng như vậy. Và hiện tượng cười hàng loạt xảy ra do não bị tổn thương.
Cùng quan điểm, hai nhà thần kinh học người Mỹ Hanna Damasio và Antonio Damasio cũng đưa giả thuyết tiếng cười tại Tanganyikan xảy ra khi cấu trúc trong não bộ bị tổn thương. Bởi vậy, bệnh nhân có thể mắc loại virus viêm não ở trung khu này.
Quan điểm trên vẫn vướng phải nhiều phản đối bởi kết quả nghiên cứu của hai nhà khoa học Rankin và Philip cho thấy không có bằng chứng nào về ngộ độc thực phẩm hay virus gây bệnh tại Tanganyikan.
Nỗ lực tìm kiếm câu trả lời cho Tanganyika laughter epidemic vẫn không dừng lại. Năm 2014, nhà khoa học Peter McGraw và nhà báo Joel Warner đã mô tả chi tiết về hiện tượng này sau nhiều chuyến bay tới Tanzania để tìm kiếm manh mối. Tuy nhiên, hai tác giả chỉ kể lại những gì còn sót ở ngôi trường nơi dịch bệnh bắt đầu, các cuộc trò chuyện với người dân bản địa. Nguyên nhân vẫn là dấu hỏi lớn.
Năm 2007, nhà nghiên cứu Christian Hempelmann công bố nghiên cứu Humor: International Journal of Humor Research về dịch cười và kết luận đây là trường hợp biến thể vận động của bệnh tâm lý hàng loạt (hysteria mass). Trong đó, cười là triệu chứng phổ biến.
Hysteria mass về cơ bản là phản ứng trước sự căng thẳng, phổ biến với nhóm người cảm thấy bất lực. Các học sinh của trường Kashasha có lẽ đã phải trải qua giai đoạn áp lực tâm lý nghiêm trọng. Họ xa nhà lần đầu tiên, chịu nhiều quản thúc và quy định theo tín ngưỡng.
Các trường học ở miền Trung châu Phi cũng gặp tình trạng phản ứng tương tự dịch cười nói trên. Vài nữ sinh trong ngôi trường ở Tanzania đã ngất, khóc nức nở, la hét hoặc chạy quanh trường vì áp lực thi cử.
Dù vậy, các nhà khoa học vẫn chưa có kết luận cụ thể về dịch bệnh cười đã gây ảnh hưởng cho học sinh và người dân Tanganyikan suốt một năm. Còn Tanganyika laughter epidemic vẫn là ẩn số.