Dân “trở tay không kịp” khi Hà Nội liên tiếp ban hành Chỉ thị lúc nửa đêm

Hà Nội ban hành Chỉ thị liên quan đến phòng chống dịch COVI’D-19 vào lúc… nửa đêm không còn là chuyện lạ. Nhưng có nhất thiết cứ phải “muộn màng” đến vậy không, tại sao không thể sớm hơn để người dân không bị động?

Chỉ thị 22 của Hà Nội được phát ra một cách chính thức vào lúc… 22h26 ngày 20.9, tức là chỉ vài tiếng khi Chỉ thị 20 hết hiệu lực (6h sáng 21.9).

Trong chỉ thị ấy, có nội dung cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống (chỉ bán hàng mang về) được mở lại. Tốt thôi, nhưng làm sao chuẩn bị kịp để thực hiện khi quy định chỉ “chính thức” vào lúc nửa đêm? Đó chỉ là một vấn đề.

Câu hỏi là tại sao lại muộn. Hãy xem quy trình: Văn bản xin ý kiến về dự thảo Chỉ thị 22 của UBND TP.Hà Nội về tới Sở Y tế Hà Nội lúc 11h02 ngày 20.9. Ngay lập tức, sở lại có văn bản đề nghị các Sở Công Thương, Sở Giao thông Vận tải, Công an thành phố và các khu công nghiệp, khu chế xuất phải có ý kiến đóng góp trước 14h cùng ngày.

Chỉ có 3 tiếng đồng hồ. Lại đúng giờ trưa để đọc một bản dự thảo dài tới gần chục trang, đóng góp ý kiến và gửi liệu có khoa học, đầy đủ căn cứ và đánh giá hết vấn đề của Hà Nội.

Sau khi nhận đầy đủ các ý kiến còn phải sàng lọc, đánh giá, tổng hợp. Sự chậm trễ mang tính dây chuyền có thể trở thành nguyên nhân dân đến những văn bản ban hành muộn màng vào lúc nửa đêm.

Cũng xin nhắc lại, liên quan đến các văn bản phòng chống dịch, hồi đầu năm, Hà Nội ban hành công điện 02 vào lúc 23h đêm 28.1, ban hành Chỉ thị 17 lúc 23h07 phút đêm 24.7 và Chỉ thị 20 ban hành 20h09 đêm 3.9 và bây giờ là Chỉ thị 22 ra lúc 22h26 đêm 20.9.

Không chỉ thời gian ban hành mà nội dung chỉ thị cũng rất đáng bàn. Trong văn bản được cho là “dài như cầu Thăng Long” với 10 trang giấy tính cả phụ lục của Chỉ thị 22 lại có những điểm khó hiểu, thậm chí mâu thuẫn. Ví dụ, nguyên tắc “không áp dụng phân vùng, không kiểm soát giấy đi đường” nhưng lại “duy trì các chốt tự quản tại các khu dân cư, tổ dân phố và kiểm soát chặt di biến động của người dân”.

Vậy thì duy trì các chốt tự quản để làm gì khi không kiểm soát giấy đi đường?

Hay những câu hỏi như: “Công nhân về quê trở lại Hà Nội như thế nào? Người Hà Nội có về quê được không?” lại không có câu trả lời rõ ràng.

Advertisement
Advertisement

Chỉ cách đây vài ngày, khi làm việc với đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam hôm 16.9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: “Việc chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng chống dịch tới cấp cơ sở, tới người dân phải rất giản dị, dễ nghe, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện…”. Đây cũng chính là thông điệp được Thủ tướng nhắc đi nhắc lại tại nhiều cuộc họp với các Bộ, ngành, địa phương.

Biết rằng Hà Nội rất thận trọng, biết rằng đó là những nỗ lực của chính quyền nhưng giá như những chỉ thị được ban hành sớm hơn, rõ ràng hơn, ngắn gọn hơn để “dân biết, dân hiểu, dân tin, dân theo, dân làm” và dân không bị động thì hiệu quả chấp hành chắc chắn sẽ cao hơn.

Nguồn: Báo Lao Động

Advertisement

error: Content is protected !!