Cảm động trước những tấm gương học sinh nghèo vượt khó vươn lên trong mùa thi 2021

Đỗ Thanh Bình, nữ sinh nghèo ở Bình Chánh, TP.HCM mới biết tin thi đậu Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Tin vui của con gái cô bán cá thuê ở chợ khiến nhiều bà con hàng xóm cũng tự hào .

Đỗ Thanh Bình, học sinh giỏi ở Trường THPT Bình Chánh, H.Bình Chánh, TP.HCM. Bình là chị cả, dưới em còn có 2 người em (đang học lớp 10 và lớp 7). Hoàn cảnh khó khăn, mẹ đi bán cá thuê ở chợ.

Ngoài bị thoát vị đĩa đệm, 7 năm trước mẹ em phát hiện ung thư vú, phải phẫu thuật cắt bỏ khối u và xạ trị, hóa trị. Cha Bình làm phụ hồ, do vác gạch và xi măng quá nặng nên bị thoái hóa cột sống. Trong nỗi khó khăn vì dịch Covid-19, tin Bình thi đậu Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch khiến mọi người rưng rưng hạnh phúc.

Gia đình Bình ở trong ngôi nhà nhỏ được quây bằng những tấm tôn và gỗ cũ, sàn nhà lồi lõm gạch vỡ mà cô kể với phóng viên “sợ nhất những ngày trời mưa lớn, nửa đêm đang ngủ mà mưa là phải ôm mền gối chạy, không thì nước tạt ướt hết”.

Hoàn cảnh gia đình không ngăn được ước mơ, ý chí ham học của Bình. Nữ sinh trong loạt bài “Nghị lực mùa thi 2021” của Báo Thanh Niên vừa trúng tuyển Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, ngành điều dưỡng. Bình chia sẻ, chứng kiến cha mẹ bị bệnh, đau ốm mà cô không biết làm cách nào để chăm sóc hay khiến người thân bớt đau, đó là động lực để cô thi đậu vào trường ĐH thường xuyên có điểm chuẩn rất cao này.


Với 24,55 điểm thi tốt nghiệp THPT, tổ hợp khối B (toán, hóa học, sinh học), Bình không chỉ thi đậu Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch mà còn trúng tuyển ngành dinh dưỡng của Trường ĐH Y dược TP.HCM. Niềm hạnh phúc của cô trò nhỏ đã truyền thêm động lực cố gắng cho các em của Bình.

“Em sẽ không bỏ cuộc”

Trong khi đó, ở Củ Chi, huyện ngoại thành TP.HCM, cậu học trò Nguyễn Minh Thường trưa đi quét dọn, tối làm thuê đã trúng tuyển ngành trí tuệ nhân tạo, Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM).

Cha mẹ ly hôn rồi bỏ đi mỗi người một nơi, nhiều năm nay Thường sống cùng chị gái, đang làm quản lý trong một quán cà phê ở H.Củ Chi. Thấy chị vất vả ngày đêm kiếm tiền nuôi em, Thường xin được làm công việc quét dọn ở trường mỗi buổi trưa khi tan học để được giảm 90% học phí trong suốt 3 năm. Không chỉ vậy, trước mùa dịch, mỗi chiều tối, cậu học trò nhỏ bé nặng chưa đầy 43 kg, cao chưa tới 1,6 m đạp chiếc xe đạp lọc cọc xuyên qua các cánh đồng để tới quán ăn trong huyện để làm bưng bê, dọn dẹp.

Thường thường xuyên nhịn ăn sáng đi học, 1 giờ chiều đạp xe về tới nhà thì mệt lả, dì của em ở gần nhà thấy thế bới cơm nguội cho ăn. Còn cô giáo dạy tiếng Anh của Thường thì kể nhiều buổi chiều tới chỗ học, em đói run rẩy tay, cô giáo thấy thương đã lấy cơm cho em.

Khó khăn bủa vây nhưng ý chí mạnh mẽ, Thường thi tốt nghiệp THPT 2021 với kết quả rất cao. Điểm tổ hợp A1 (toán, vật lý, tiếng Anh) của em là 27,55. Tính cả điểm ưu tiên là 27,8. Trong đó môn tiếng Anh đạt 9,8 điểm; môn toán được 9, môn vật lý 8,75 điểm.

Em sẽ nhập học ngành trí tuệ nhân tạo, Trường Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM) trong thời gian tới. “Em sẽ không bỏ cuộc, không phụ lại yêu thương của rất nhiều người dành cho em”, Thường xúc động.

Niềm vui của cô bé xin mẹ “ăn rau muống để được đến trường”

Lại Ngọc Anh Thư, học sinh nghèo học giỏi Trường THPT Bình Chánh, H.Bình Chánh, TP.HCM cũng vừa trúng tuyển Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, ngành sư phạm lịch sử – địa lý.

Advertisement
Advertisement

Thư cùng mẹ và em trai trong một gian nhà trọ chật hẹp ở ấp 4, xã Tân Quý Tây, H.Bình Chánh, mẹ làm tóc và móng dạo, mấy mẹ con thường xuyên phải ăn mì gói, đậu hũ, cơm với rau muống thay cho thịt cá. Nhiều lần khó khăn, không xoay đâu ra tiền để đóng học cho con, mẹ của nữ sinh trong loạt bài Nghị lực mùa thi nói: “hay con nghỉ học, đi làm cùng mẹ”.

Thư chưa từng có ý định bỏ cuộc, em khóc nức nở trong bữa cơm chỉ có chòng chọc đĩa rau muống xào với ít cơm trắng, “con xin mẹ, con ăn rau muống cả năm cũng được, xin mẹ cho con được đi học”.

Ngày hôm qua, 16.9, vừa biết tin con gái đã thi đậu ngành sư phạm lịch sử – địa lý Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, chị Lê Thị Bé Bảy, mẹ của Thư mừng quá, khóc như mưa. Con gái đã làm được điều mà cả đời chị ước mơ nhưng chưa bao giờ với tay tới. Rồi mai này, con trở thành cô giáo, có thể kể cho bao học trò nghe những câu chuyện đẹp về ý chí, như chính con đã trải qua…

Nguồn: Báo Thanh Niên

Advertisement

error: Content is protected !!