Theo hãng tin Reuters, có các bằng chứng cho thấy tập đoàn BGI (Công ty phân tích gen lớn nhất thế giới của Trung Quốc) đã hợp tác với quân đội Trung Quốc trong các nghiên cứu, thử nghiệm trên diện rộng các mầm bệnh đường hô hấp đến khoa học não bộ.
Việc xem xét hơn 40 tài liệu và các bài báo nghiên cứu được công bố công khai bằng tiếng Trung và tiếng Anh, đã cho thấy mối liên hệ giữa BGI và quân đội Trung Quốc, bao gồm các nghiên cứu cùng các chuyên gia siêu máy tính quân sự hàng đầu của Trung Quốc. Mức độ của những hợp tác đó chưa từng được đề cập đến.
BGI đã bán hàng triệu bộ xét nghiệm COVID-19 bên ngoài Trung Quốc kể từ khi đại dịch bùng phát, bao gồm cả châu Âu, Úc và Hoa Kỳ. Cổ phiếu của BGI Genomics Co, công ty con trực thuộc BGI, niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán Thâm Quyến, đã tăng giá gấp đôi trong vòng 12 tháng, với giá trị thị trường khoảng 9 tỷ USD.
Tuy nhiên, các quan chức an ninh hàng đầu của Hoa Kỳ đã cảnh báo các phòng thí nghiệm của Hoa Kỳ không nên sử dụng các bộ xét nghiệm của Trung Quốc vì lo ngại Trung Quốc đang tìm cách thu thập thông tin gen từ các quốc gia khác cho nghiên cứu của riêng họ.
Các tài liệu Reuters đã xem xét không phủ nhận hay củng cố cho những nghi ngờ của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, các tài liệu cho thấy mối liên hệ giữa quân đội Trung Quốc và BGI chặt chẽ hơn những gì đã biết, điều này là minh chứng cho việc Trung Quốc thúc đẩy sự tham gia của các công ty công nghệ tư nhân vào các nghiên cứu liên kết đến quân sự dưới thời của lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.
Chính phủ Hoa Kỳ gần đây đã được cảnh báo bởi một hội đồng chuyên gia về việc các quốc gia và các tổ chức thù địch có thể tìm và nhắm vào các bất lợi về gen trong quần thể dân số Hoa Kỳ, và đối thủ cạnh tranh như Trung Quốc có thể sử dụng gen để tăng cường sức mạnh cho binh sỹ của họ.
Theo Reuters, BGI đã tham gia vào các dự án của quân đội Trung Quốc nhằm cải thiện chứng say độ cao của những người thuộc sắc tộc Hán, nghiên cứu gen nhằm mục đích tạo lợi thế cạnh tranh cho các binh sỹ ở một số khu vực biên giới.
Bà Elsa Kania, chuyên gia cao cấp tại Trung tâm An ninh mới của Hoa Kỳ, người đã cung cấp lời chứng tại một số ủy ban của Quốc hội Hoa Kỳ, trao đổi với Reuters rằng quân đội Trung Quốc đã thúc đẩy nghiên cứu về khoa học não bộ, chỉnh sửa gen và tạo ra các bộ gen nhân tạo có thể được sử dụng làm vũ khí sinh học trong tương lai. Bà nói thêm rằng những vũ khí như vậy hiện không khả thi về mặt kỹ thuật.
Bà Kania cho biết, mô hình hợp tác của BGI với quân đội Trung Quốc là “một mối lo ngại có cơ sở, cần làm rõ” đối với các quan chức Hoa Kỳ.
Trả lời các câu hỏi của Reuters, BGI cho biết họ tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế và luật pháp Trung Quốc liên hệ đến hợp tác khoa học, chia sẻ dữ liệu, và các nghiên cứu gen. Họ cho biết sự hợp tác của họ với các chuyên gia quân sự chỉ phục vụ mục đích học thuật.
“BGI mạnh mẽ bác bỏ mọi cáo buộc về mối liên hệ với quân đội Trung Quốc, cụ thể là liên hệ đến bộ xét nghiệm COVID-19 của chúng tôi,” họ cho biết trong văn bản trả lời.
Bộ quốc phòng Trung Quốc không trả lời yêu cầu bình luận này.
‘Tăng cường’ sức mạnh của binh sỹ
Các công ty công nghệ Trung Quốc bị Hoa Kỳ giám sát ngày càng chặt cùng với các hạn chế gia tăng dưới thời chính phủ cựu Tổng thống (TT) Trump. Vào tháng 11/2020, Bộ Thương mại đã đề nghị dự thảo đưa phần mềm chỉnh sửa gen vào danh sách kiểm soát xuất cảng của Hoa Kỳ, vì nó có thể bị sử dụng để chế tạo vũ khí sinh học. Các quan chức trong chính phủ mới của TT Joe Biden đã báo hiệu về việc tiếp tục cách tiếp cận cứng rắn đối với những mối đe dọa ngày càng tăng từ Bắc Kinh.
Một hội đồng công nghệ về trí tuệ nhân tạo, được chỉ định bởi chính phủ Hoa Kỳ và do cựu Giám đốc điều hành Google, ông Eric Schmidt, làm chủ tịch, đã đưa ra cảnh báo hồi tháng 10/2020 về sự hỗ trợ tài chính của Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ sinh học, các lợi thế của quốc gia này trong việc thu thập dữ liệu sinh học, và sự quan tâm của quân đội Trung Quốc đối với các ứng dụng quân sự tiềm năng.
Hội đồng sẽ đưa ra báo cáo chính thức vào tháng 03/2021, và cảnh báo về việc các đối thủ sử dụng trí tuệ nhân tạo để xác định điểm yếu về gen trong quần thể dân số và thiết kế các mầm bệnh để khai thác chúng, cùng với việc các nghiên cứu gen được sử dụng để tăng cường sức mạnh tinh thần hoặc thể chất cho binh sỹ.
Hội đồng khuyến nghị chính phủ Hoa Kỳ “có lập trường công khai cứng rắn hơn đối với BGI,” vì sự liên kết giữa công ty này với chính quyền Trung Quốc và kho dữ liệu gen họ thu thập có thể gây ra các rủi ro an ninh quốc gia.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ không trả lời yêu cầu bình luận về những phát hiện của Reuters.
Trả lời các câu hỏi của Reuters, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết chính phủ Hoa Kỳ đã “cố ý hiểu sai và bôi nhọ chính sách kết hợp quân sự-dân sự của Trung Quốc” và đang áp đặt các biện pháp trừng phạt vô lý nhằm cản trở việc nghiên cứu.
“Chính sách kết hợp quân sự-dân sự của Trung Quốc nhằm huy động hiệu quả các nguồn lực quân sự và dân sự, cùng phối hợp trong việc phát triển kinh tế-xã hội và quốc phòng, đồng thời mang lại lợi ích cho công chúng với các tiến bộ khoa học và công nghệ. Chính sách này là hoàn toàn hợp pháp và không có gì để chê trách,” cơ quan này cho biết thông qua thông cáo gửi Reuters.
Cơ quan này bổ sung rằng đây là “thông lệ quốc tế bình thường” và chính phủ Hoa Kỳ đã sử dụng một cách có hiệu quả sự kết hợp quân sự-dân sự trong hơn 100 năm qua.
Các dự án trọng điểm
Tập đoàn BGI, có trụ sở tại Thâm Quyến, đã phát triển nhanh chóng bằng cách cung cấp các dịch vụ giải trình tự gen cho các trường đại học và hệ thống y tế trên toàn thế giới, qua đó tích lũy một cơ sở dữ liệu DNA lớn. Họ đã tạo ra con lợn nhân bản đầu tiên của Trung Quốc vào năm 2010.
Một bài báo khoa học được viết bởi người sáng lập BGI là ông Dương Hoa Minh và ông Vương Kiên cùng với Phòng thí nghiệm trọng điểm về Y học độ cao trực thuộc quân đội Trung Quốc và Đại học Quân y thứ ba, tập trung vào các thí nghiệm với não của những con khỉ bị chứng say độ cao.
Nghiên cứu được công bố vào tháng 01/2020 cho biết đã nhận được kinh phí tài trợ vì nằm trong các “dự án trọng điểm về khoa học và công nghệ quân sự” của quân đội Trung Quốc. Một thập kỷ trước, nghiên cứu của trường đại học quân sự đã tìm cách xác định các gen liên hệ đến chứng say độ cao để quân đội Trung Cộng có thể sàng lọc binh sỹ. Nghiên cứu mới nhất tập trung vào cách các loại thuốc tương tác với gen có khả năng bảo vệ một người khỏi chấn thương não.
Một nghiên cứu trước đó vào năm 2017 do ông Vương thiết kế, hợp tác với một trung tâm nghiên cứu trực thuộc quân đội Trung Quốc ở Tân Cương, nghiên cứu về các tác động của việc leo núi nhanh đối với cơ thể “nam giới trẻ và khỏe mạnh.”
Trung Quốc có đường biên giới ở cao nguyên dài nhất thế giới, bao gồm biên giới với Ấn Độ, nơi xảy ra cuộc giao tranh giữa quân đội hai nước vào năm 2020. Một bài báo năm 2018 của cùng phòng thí nghiệm nói trên cho biết “chứng say độ cao là nguyên nhân chính làm giảm hiệu quả chiến đấu và tổn hại sức khỏe cho binh sỹ hoạt động ở độ cao và ảnh hưởng đến kết quả của chiến tranh.”
Reuters không liên lạc được với ông Dương và ông Vương. BGI cho biết sự hợp tác nghiên cứu với phòng thí nghiệm quân đội và Đại học Quân y thứ ba, nơi ông Dương làm giáo sư trong gần hai thập kỷ, “chỉ nhằm mục đích học thuật.”
Giải mã trình tự gen COVID
BGI nắm giữ hàng chục bằng sáng chế cho các xét nghiệm sàng lọc bộ gen liên hệ đến bệnh tật cùng với Học viện Khoa học Quân y, là trường đại học quân sự và là viện nghiên cứu y tế hàng đầu của quân đội Trung Quốc và các bệnh viện quân sự.
Một bằng sáng chế về bộ xét nghiệm giá rẻ để phát hiện mầm bệnh đường hô hấp, bao gồm SARS (Hội chứng hô hấp cấp tính nặng) và các loại coronavirus, đã được cấp cho BGI và Học viện Khoa học Quân y vào năm 2015.
Theo tài liệu đi kèm, chuyên gia khoa học về bệnh truyền nhiễm hiện tại của BGI, ông Trần Duy Quân, được ghi nhận là một trong những người sáng chế. Ông Trần cũng là một trong những chuyên gia khoa học đầu tiên giải trình tự gen COVID-19, lấy mẫu từ một bệnh viện quân sự ở Vũ Hán, trình tự gen này sau đó được chia sẻ trên toàn thế giới.
Trong ba bài báo khoa học được Reuters xem xét, ông Trần nằm trong danh sách hợp tác với Học viện Khoa học Quân y. Trả lời các câu hỏi của Reuters, BGI cho biết ông Trần không hợp tác với Học viện Khoa học Quân y của quân đội Trung Quốc kể từ năm 2012. Ông Trần không trả lời yêu cầu bình luận này.
Trong văn bản trả lời, BGI cho biết bộ xét nghiệm COVID-19 của BGI không sử dụng phương pháp được cấp bằng sáng chế chung với quân đội Trung Quốc.
Theo các bài báo khoa học và hội nghị công bố công khai được Reuters sử dụng, bốn chuyên gia nghiên cứu của BGI cũng hợp tác với một tổ chức quân sự khác, Đại học Công nghệ Quốc phòng Quốc gia (NUDT). NUDT có trụ sở tại Hồ Nam, trực thuộc trực tiếp Quân ủy Trung ương, cơ quan cao nhất nắm quyền lãnh đạo quân đội Trung Quốc và do ông Tập đứng đầu.
NUDT nằm trong danh sách đen của bộ thương mại Hoa Kỳ và là mối đe dọa an ninh quốc gia vì siêu máy tính Tianhe-2 của tổ chức này, một trong những cỗ máy mạnh nhất thế giới, được sử dụng để mô phỏng các vụ nổ hạt nhân. Danh sách đen này không cho phép các công ty Hoa Kỳ cung cấp công nghệ cho NUDT.
Một chuyên gia nghiên cứu khác, ông Bành Thiệu Lương, đã tham gia vào việc phát triển phần mềm trên siêu máy tính do NUDT phát triển để tăng tốc độ giải mã trình tự bộ gen người của BGI.
Ông Bành đã nhận được giải thưởng quân sự cho kết quả nghiên cứu của mình. Ông là thành viên của nhóm chuyên gia cố vấn cho Ủy ban Khoa học và Công nghệ trực thuộc Quân ủy Trung ương, được thành lập vào năm 2016 khi ông Tập bắt đầu thúc đẩy chiến lược kết hợp nghiên cứu quân sự và dân sự của Trung Quốc.
Các đơn xin cấp bằng sáng chế năm 2020 cho thấy ông Bành cũng là thành viên thuộc Viện Quân y của quân đội Trung Quốc. Ông Liêu Tường Khoa, có hàm thiếu tướng và là người đứng đầu chương trình siêu máy tính của NUDT, là tác giả hoặc đồng tác giả cùng với các chuyên gia nghiên cứu của BGI.