Phùng Anh Lê đã chỉ đạo Công an Q.Tây Hồ ‘giấu’ Viện kiểm sát hòa giải cho kẻ cướp như thế nào?

Tối qua 21/9, Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao đã thực hiện lệnh khám xét nơi ở đối với ông Phùng Anh Lê, Trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an TP Hà Nội. Bước đầu cơ quan chức năng xác định sai phạm của ông Phùng Anh Lê liên quan đến việc không xử lý tội phạm khi ông này còn làm Trưởng công an quận Tây Hồ.

Tạm giữ hình sự kẻ cướp để điều tra nhưng lại để ngoài sổ sách.

Một lãnh đạo Viện KSND TP.Hà Nội cho biết, trong vụ việc này Viện KSND Q.Tây Hồ không phải chịu trách nhiệm gì và không có cán bộ nào liên quan do khi Công an Q.Tây Hồ (Hà Nội) tổ chức hòa giải cho nghi phạm và bị hại cơ quan này đã không phối hợp với Viện kiểm sát cùng cấp để xử lý.

Theo lãnh đạo Viện KSND TP.Hà Nội, vụ việc có dấu hiệu tội phạm nhưng lại không nằm trong hệ thống tin báo của cơ quan tiến hành tố tụng.

“Viện KSND Q.Tây Hồ không hề biết vụ án này. Họ (Công an Q.Tây Hồ – PV) giấu, họ không thụ lý tin báo mà để ngoài sổ sách và tự làm, còn xóa cả sổ tạm giữ,… họ phải chịu trách nhiệm riêng, Viện kiểm sát không thể biết được trong trường hợp này”, vị lãnh đạo Viện KSND TP.Hà Nội cho hay.

Theo luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng luật sư Đồng Đội (Đoàn luật sư TP.Hà Nội), nếu có sự việc Công an Q.Tây Hồ tự xử lý vụ án mà không thông qua Viện KSND thì điều này vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hình sự.

Luật sư Tiền dẫn chứng, tại khoản 5 điều 146 bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định, cơ quan điều tra phải có trách nhiệm thông báo bằng văn bản về việc tiếp nhận tin tố giác cho viện KSND cùng cấp hoặc viện KSND có thẩm quyền trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày tiếp nhận.

Ngoài ra, điều 147 bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định, chậm nhất là 5 ngày trước khi hết thời hạn kiểm tra, xác minh, cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị viện KSND cùng cấp hoặc viện KSND có thẩm quyền gia hạn thời hạn kiểm tra, xác minh. Nếu việc giải quyết tin tố giác bị tạm đình chỉ hoặc phục hồi thì cơ quan điều tra đều phải thông báo cho viện kiểm sát theo đúng quy định.

Advertisement
Advertisement

Theo luật sư Tiền, vai trò của viện kiểm sát đã được quy định rất rõ tại điều 159 bộ luật Tố tụng hình sự 2015. Hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự của viện kiểm sát là quy định bắt buộc để tránh bỏ lọt tội phạm, tránh oan sai, cũng như tránh việc lạm quyền từ cơ quan điều tra.

“Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao cần làm rõ động cơ, mục đích của việc không thông báo này để xử lý nghiêm minh, đảm bảo tính răn đe, thượng tôn pháp luật”, luật sư Tiền nêu quan điểm.

Nguồn: Báo Thanh Niên

Advertisement

error: Content is protected !!