Bằng chiêu trò giả danh người cần thuê F0 (người đã mắc COVID-19) khỏi bệnh làm việc, một số người thiết lập ‘chợ F0’ sôi động trên mạng nhằm làm trung gian lấy tiền hoa hồng.
Đã có hiện tượng F0 và gia đình thuê F0 bị mất tiền trong mùa giãn cách nhiều khó khăn này.
Mở ra chỉ trong thời gian ngắn, một nhóm “tìm F0 khỏi bệnh” trên mạng đã quy tụ gần 1.500 thành viên mà đa số ở TP.HCM. Trên trang này, các bài đăng “tìm F0 chăm sóc F0”; “F0 khỏi bệnh có nhu cầu tìm việc hoặc hỗ trợ F0 khỏi bệnh”… liên tục xuất hiện trên nhóm.
Giá tiền nhảy múa
Trong dòng giới thiệu, quản trị viên của nhóm này thông báo mục đích tạo nhóm nhằm kết nối F0 khỏi bệnh với gia đình của những F0 đang cần giúp đỡ và khẳng định nhóm này “sẽ là một nơi giúp kết nối giữa những F0 với nhau và người nhà F0; giữa những người F0 đang cần việc”.
Tuy nhiên, mục đích tốt đẹp như lời rao trên đó đã bị một số người trà trộn vào nhóm với mục đích “cò mồi” ăn tiền của cả chủ nhà lẫn F0 khỏi bệnh.
Trong vai đại diện nhóm người quen là F0 khỏi bệnh và đang cần tiền sinh hoạt, chúng tôi liên hệ một “cò” tên D.. Người này “dọa ngay” là nhu cầu tìm việc hiện rất lớn nhưng “khách hàng có hạn”, yêu cầu người tìm việc cứ kết bạn qua Zalo và đợi phân bổ.
Nài nỉ mãi là rất cần việc thì không lâu sau D. báo tin có một “khách hàng” ở quận 12 là F0, bị tai biến đang cần người chăm sóc, dọn dẹp, cơm nước.
“Đi lại đợt này khó nên ở lại nhà chủ luôn, lương tháng 8,5 triệu đồng” – D. “chốt giá” và khẳng định mình chỉ nhận tiền môi giới từ khách thuê chứ không lấy tiền của người đi làm.
Để kiểm tra xem D. nói có chính xác hay không, chúng tôi vào vai gia đình có F0 cần thuê F0 khỏi bệnh và gọi cho D.. Anh ta hồ hởi tiếp chuyện rồi ra giá: “Nếu chăm sóc tại nhà thì 500k/ngày (500.000 đồng), còn chăm sóc tại bệnh viện thì 700k/ngày”.
Tiền phí môi giới D. đòi là 1,5 triệu đồng. Dựa trên mức giá D. đưa ra, như vậy một F0 khỏi bệnh có thể kiếm được ít nhất 15 triệu đồng/tháng. Vậy là chỉ với một vài thao tác đơn giản, vài cú điện thoại, nếu kết nối ổn thì D. bỏ túi 6,5 triệu đồng chưa kể phí môi giới.
Một “cò” khác tên H.Đ.M. cho biết hiện đang chăm bệnh nhân ở Bệnh viện Tân Bình nhưng vẫn có thể giới thiệu cho một nhóm bạn khác, đa số là nam. M. ra giá chi phí chăm sóc bệnh nhân F0 tại nhà hoặc bệnh viện 700.000 – 1,2 triệu đồng, tùy theo mức độ nặng nhẹ của bệnh nhân.
Khi được hỏi nếu không có giao kết hợp đồng, khi phát sinh rủi ro như mất cắp tài sản trong nhà thì sẽ giải quyết thế nào, “cò” này liền cam kết chắc nịch: “Bên anh đảm bảo nhân thân người làm tốt, nếu gia đình lo lắng bên anh sẽ giao chứng minh nhân dân, giấy tờ tùy thân của người làm cho đến khi kết thúc công việc” .
Thậm chí có nhiều “cò” còn tuyển cả những người chưa mắc COVID-19 nhưng đã tiêm đầy đủ 2 mũi vắc xin để đến chăm sóc cho F0. Khi được hỏi về tính an toàn cho người đi làm, một tay “cò” quả quyết như thể bác sĩ: “Không phải lo, tiêm đủ 2 mũi là có kháng thể rồi, không nhiễm, an tâm đi”.
Lừa cả chủ nhà lẫn người lao động
Theo tìm hiểu, hiện nay có khoảng 10 nhóm “cò” hoạt động, mỗi nhóm đều quản lý từ 5 – 10 người ở TP.HCM và Bình Dương. Dù với vai trò là “cựu” F0 tìm việc hay người cần thuê F0 khỏi bệnh, chỉ cần đăng bài viết sẽ có rất nhiều “cò” mời chào.
Có những nhóm “cò” trực tiếp quản lý nhóm F0 khỏi bệnh, điều phối F0 đi làm việc, thu tiền từ người thuê, sau đó chi trả cho nhân sự mà họ quản lý. Và dù ở hình thức nào, tất cả đều hoạt động gián tiếp qua mạng xã hội, không ký kết hợp đồng, tiền bạc cũng được chi trả bằng hình thức chuyển khoản.
“Để có được nguồn F0, các cò dùng rất nhiều chiêu trò tập hợp F0 thành từng nhóm. Họ giả danh làm người cần thuê F0 khỏi bệnh hoặc giả danh làm cựu F0 cần tìm việc làm để mồi chài khách hàng” – một F0 giải thích.
Thậm chí, có những tay “cò” lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của người tìm việc và người thuê để ăn chặn hết số tiền thu được. Chị N.T. (ngụ quận Tân Bình, TP.HCM) là một nạn nhân như vậy.
Sau khi khỏi bệnh COVI’D-19, chị đăng tin trên mạng xã hội để tìm người có nhu cầu chăm sóc F0 tại nhà. Sau đó, chị được một phụ nữ liên hệ nhờ chăm sóc cho người nhà đang nằm viện, đồng thời bảo chị T. liên hệ cho chồng mình để thỏa thuận lương.
Khi nhận việc, chị T. mới tá hỏa phát hiện cả hai đều là “cò” môi giới chứ không phải gia đình có bệnh nhân COVI’D-19.
Tính là “mùa dịch giã, cứ làm có thu nhập vẫn hơn” nên chị T. vẫn nhận lời đi làm. Người thuê sẽ chuyển khoản chi trả tiền cho bên môi giới, tiền lương sẽ được nhóm này “cắt” khoảng 25 – 35% và chi trả cho chị sau mỗi 3 ngày. Cam kết là vậy, nhưng sau 6 ngày làm việc, chị T. vẫn chưa nhận được tiền.
“Tôi liên hệ qua lại đủ cách nhưng với đủ chiêu trò, lý do hứa hẹn, người môi giới cứ khất lần này tới lần khác. Sau đó, tôi quyết định nghỉ việc và từ đó đến nay không cách nào liên lạc được với bên môi giới nữa” – chị T. kể lại chuyện của mình.
Quan sát trên mạng xã hội, chị T. thấy nhóm đã lừa mình lại lập tài khoản mới và tiếp tục đăng bài tìm F0 để lừa đảo thật nhẫn tâm.
Người thuê cũng dễ trở thành nạn nhân của nhóm “cò mồi” làm ăn trên mạng xã hội. Chị N.H. kể có người thân nằm điều trị ở Bệnh viện An Bình và chị đăng bài tìm F0 vào chăm sóc.
Chị được một người đàn ông liên hệ và yêu cầu phải chuyển khoản 1 triệu đồng làm các giấy tờ chăm sóc. Tuy nhiên sau khi nhận được tiền, người này lập tức “cắt đứt” mọi liên lạc của chị H.
“Khi nhận tiền, người này cam kết sẽ cho người vào bệnh viện ngay hôm sau nhưng chờ hoài không thấy, gọi lại tôi mới biết đã bị chặn số, lúc đó mới biết đã bị lừa” – chị H. búc xúc.
Nguồn: Báo Tuổi Trẻ