Thực tế rút ra từ cuộc khảo sát hàng chục ngàn lao động trong tháng 8 mới được Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV – thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) công bố, cho thấy số người lao động mất việc vì dịch bệnh, không có thu nhập, không được trợ cấp… rất lớn, khả năng duy trì cuộc sống cực kỳ khó khăn.
Gần 70% lao động từ 31-45 tuổi mất việc làm trong thời dịch
Kết quả khảo sát tình hình doanh nghiệp và người lao động trong bối cảnh đại dịch Covid 19 do Ban IV của Thủ tướng phối hợp với báo điện tử VnExpress tổ chức nhằm mục đích chụp nhanh thực trạng tác động của dịch bệnh đến việc làm, thu nhập của người lao động, doanh nghiệp; gửi kiến nghị lên Chính phủ, bộ, ngành, địa phương để thấy rõ thực trạng đã cho thấy những tín hiệu rất bi quan.
Chỉ sau một tuần khảo sát gần 70 ngàn lao động (từ ngày 1 đến ngày 8-8-2021) cho thấy 69,4% nhóm người lao động từ 31-45 tuổi mất việc làm. 16,3% nhóm người từ 16 -30 tuổi mất việc và 13,2% nhóm người từ 46-60 tuổi mất việc trong thời gian này. Ngành xây dựng mất việc nhiều nhất (66,8%), tiếp đó là dịch vụ (63%), nông ngư nghiệp (59,4%). Thấp nhất là ngành công nghiệp ( 48,4%).
Trong tổng số 69.132 người lao động trả lời khảo sát trực tuyến (online), tỷ lệ số người trả lời hiện đang mất việc chiếm 62% (tương đương với 42.754 người trả lời), người lao động đang có việc là 38% (tương đương với 26.378 người trả lời).
Do thực hiện giãn cách xã hội, hầu hết các tỉnh, thành phố cho trẻ em ở nhà. Để đảm bảo chương trình học tập thì hầu hết các trường học đều tổ chức học trực tuyến. Rất nhiều gia đình ở thành phố phải mua sắm thêm các thiết bị cho con học trực tuyến, chi phí tiền điện, tiền internet… tăng lên để cho con tham gia các buổi học trực tuyến… Nên đây lại là khoản chi phát sinh do dịch bệnh mà nhiều người lao động tham gia khảo sát lựa chọn, chiếm 41,2%.
Chi phí nuôi dưỡng người thân do cách ly giữa các vùng là chi phí phát sinh cao thứ hai với hơn 28% người tham gia khảo sát phải chi trả. Các khoản chi phí này bao gồm tiền thuê nhà/khách sạn/nhà trọ, tiền ăn uống cho người thân trong gia đình bị mắc kẹt trong các vùng/thành phố cách ly không về nhà được, hoặc tiền chi trả cho người giúp việc để nuôi dưỡng bố mẹ già hoặc trẻ em… Bên cạnh đó, chi phí này gồm cả chi phí cho người thân ở các thành phố khác do mất việc làm vì dịch.
Trong đợt bùng phát dịch bệnh lần đầu, các chi phí xét nghiệm, chi phí trong khu cách ly được Nhà nước chi trả 100%. Nay, người lao động có khi phải tự trả chi phí xét nghiệm Covid-19 để các xác nhận khi di chuyển giữa các tỉnh/thành phố nên chi phí này chiếm là khoản chi phí phát sinh cao thứ 3.
Ngoài ra, có tới gần 15% số người trả lời khảo sát cho biết chi phí phát sinh khác gồm chi phí lương thực, thực phẩm, điện, nước, tiền thuê nhà, tiền trả lãi vay ngân hàng. Người lao động nhất là ở TPHCM, các tỉnh phía Nam cũng như những người lao động đang ở trong các thành phố đang thực hiện giãn cách như Hà Nội, Đà Nẵng, phản ánh khoản chi dành cho lương thực, thực phẩm, dù duy trì mức sinh hoạt tối thiểu nhưng giá “tăng phi mã”…
Mất việc mới là chuyện đáng sợ nhất. Trong tổng số 42.754 người tham gia khảo sát bị mất việc, 50% người bị mất việc (từ 1-3 tháng). Số người mất việc dưới 1 tháng là 19%, số người mất việc trên 6 tháng là 15%. Tổng số gần 50% số lượng người lao động đã mất việc chỉ có nguồn tiền tích lũy chỉ đủ để đảm bảo cho cuộc sống dưới 1 tháng. Hơn 37% người lao động đã mất việc chỉ đủ đảm bảo cho cuộc sống dưới 3 tháng, 8,6% người lao động đã mất việc đủ đảm bảo cho cuộc sống dưới 6 tháng và chỉ 4,4% số lượng người lao động đã mất việc có nguồn tiền tích lũy đủ đảm bảo cho cuộc sống trên 6 tháng. Gần 40% trong số bị mất việc không nhận được sự trợ giúp từ nguồn nào.
48,2% số người trả lời không thể kiếm được việc để đảm bảo cuộc sống trong thời gian tới còn khoảng 25% số người mất việc cho biết sẽ tìm kiếm cơ hội làm việc ở công ty khác trong thời gian tới. Ngoài ra, bán hàng online là hình thức người lao động thử sức tìm kiếm việc làm mới (21% số người mất việc muốn thử sức). Khoảng 10% số lao động mất việc sẽ thực hiện việc tham gia vào “chạy xe công nghệ” để đảm bảo cuộc sống. Chỉ có 0,6% số lao động mất việc trả lời chờ đợi công ty cũ mở cửa trở lại để quay trở lại làm việc.
Số tiền thực sự đến với người nghèo quá ít
Đối với người lao động đã mất việc làm, tổ chức khảo sát kiến nghị tập trung hướng vào các nhóm các giải pháp sau: Nhà nước có truyền thông về các gói hỗ trợ trên phương tiện thông tin đại chúng, tuy nhiên số tiền thực sự đến được tay người lao động tự do mất việc/người nghèo quá ít so với số tiền đăng trên thông tin đại chúng; các cấp chính quyền nên có hình thức trợ cấp phù hợp, đúng đối tượng. Hiện có rất nhiều người là lao động tự do, người kinh doanh, bán hàng tự do bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch nhưng chưa nhận được tiền hỗ trợ.
Đối với các gói hỗ trợ cho công nhân, nên thông qua các công ty để lên danh sách người được thụ hưởng do mất việc. Nhiều công nhân ở trọ không có địa chỉ tạm trú rõ ràng nhưng mất việc và không rành về thủ tục nên không phải là đối tượng hoặc nếu muốn được hưởng hỗ trợ thì phải chứng minh bằng các giấy tờ với các yêu cầu xác nhận trong bối cảnh nhiều nơi giãn cách, người lao động không đi lại được.
Do đó, cần có công văn thông báo gửi cho doanh nghiệp, đồng thời cập nhật thông tin trên ứng dụng BHXH điện tử để người lao động cùng nắm thông tin. Cần đơn giản hóa thủ tục cho mọi người dân có thể nhận được hỗ trợ, không phải chỉ những người lao động có BHXH.
Nhà nước có thể mua hàng hóa của người nông dân để phát cho người dân; cấp phát khẩn cấp lương thực, nhu yếu phẩm cho người dân trong khu vực cách ly, giãn cách, ai không có ăn thì cần cấp phát khẩn cấp ngay không phân biệt đối tượng không đòi hỏi giấy tờ. Nếu có như vậy, người lao động bị mất việc mới yên tâm ở nhà thực hiện việc giãn cách xã hội tại những vùng dịch bùng phát mạnh.