Dự án qua 3 đời Bộ trưởng, 10 năm chưa hoàn thành, chậm tiến độ 11 lần, đội vốn 205% vẫn tiếp tục phát sinh 7,8 triệu USD – Đường sắt Cát Linh – Hà Đông

Dự án không thể hoàn thành đúng theo tiến độ, kéo dài thời gian thực hiện làm tăng chi phí Hợp đồng tư vấn giám sát và cần bổ sung hơn 7,8 triệu USD, ai sẽ là người trả chi phí này ?

Thông tin trên được nêu rõ trong văn bản 9159 Bộ Giao thông vận tải (GTVT) gửi Bộ Tài chính mới đây về sửa đổi điều 1.7 của Hiệp định vay bổ sung cho Dự án đường sắt (ĐS) đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông, sử dụng vốn vay Trung Quốc.

Trước đó, ngày 13/1, Bộ Tài chính có văn bản số 385/BTC-QLN về việc sửa đổi điều 1.7 của Hiệp định vay bổ sung cho dự án này. Vì vậy, Bộ GTVT gửi phản hồi tới Bộ Tài chính ý kiến của nhà tài trợ về nội dung cần làm rõ.

Bộ GTVT cho biết, tại các văn bản số 830 ngày 26/3 và số 918 ngày 2/4, Ban Quản lý Dự án (QLDA) Đường sắt báo cáo Bộ GTVT đã trao đổi với nhà tài trợ làm rõ các nội dung theo yêu cầu về việc đảm bảo thực hiện ký kết hợp đồng, phụ lục hợp đồng theo đúng quy định pháp luật và của Hiệp định vay. Thư ngày 16/3 của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc thông báo không yêu cầu điều chỉnh, sửa đổi điều 1.7 của Hiệp định vay.

“Tuy nhiên, do Hợp đồng EPC không thể hoàn thành đúng theo tiến độ nên phải kéo dài thời gian thực hiện, làm tăng chi phí Hợp đồng tư vấn giám sát cần bổ sung khoảng 7,835 triệu USD, nguồn vốn đối ứng của dự án còn lại rất ít; trong khi Hiệp định vay bổ sung còn dư khoảng 26,421 triệu USD nên Ban QLDA Đường sắt có văn bản số 1163 ngày 22/4 báo cáo” – văn bản của Bộ GTVT nêu rõ.

Sau khi nhận được báo cáo của Ban QLDA Đường sắt, Bộ GTVT đã có văn bản số 3773/BGTVT-KHĐT ngày 29/4 đề nghị Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc về việc sửa đổi khoản 1.7 điều 1 của Hiệp định vay bổ sung và xem xét, chấp thuận bổ sung hợp đồng tư vấn giám sát vào phạm vi tài trợ của Hiệp định vay bổ sung.

Ngày 20/8, Ban QLDA Đường sắt báo cáo Bộ GTVT là Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc thông báo hai nội dung đề nghị xem xét của Bộ GTVT, Ngân hàng XNK Trung Quốc đã trả lời tại Thư ngày 16/3 là “Phụ lục hợp đồng EPC đã được hai bên xác nhận và không cần thiết phải sửa đổi điều 1.7 của Hiệp định vay” và “Hợp đồng tư vấn giám sát không thể được tài trợ bởi khoản vay”.

Điều đó có nghĩa là khoản tiền hơn 7,8 triệu USD không được tài trợ, mà phải trả cho bên tư vấn giám sát.

Vấn đề là lấy nguồn nào để trả? Nếu là tiền ngân sách thì thực chất vẫn là dân trả bởi nguồn thu chủ yếu của ngân sách là từ thuế của doanh nghiệp và người dân.

Nếu là đi vay để tính vào tổng mức đầu tư thì vẫn là ngân sách, hoặc “hạch toán” vào đâu đó, như là giá vé chẳng hạn.

Có thể phải đặt ra câu hỏi: “Những ai chịu trách nhiệm chính trong việc để tiến độ kéo dài?”. Phải chăng những người đã không làm tròn trách nhiệm, để đội vốn, để dự án chậm tiến độ nhiều năm trời phải là những người chịu bỏ tiền ra trả bổ sung của tư vấn giám sát?.

Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông bắt đầu được thực hiện từ tháng 10/2011, tổng mức đầu tư hơn 18.000 tỷ đồng bằng vốn vay ODA của Trung Quốc theo Hiệp định khung ký ngày 30/5/2008 giữa hai Chính phủ Việt Nam – Trung Quốc.

Tổng thầu EPC là Công ty TNHH Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc và tư vấn giám sát thi công là Công ty TNHH GSXD Viện nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh.

Ngày 31/3, các đơn vị thực hiện dự án bắt đầu quá trình chuyển giao. Cấp cơ sở tiến hành kiểm đếm, tiếp nhận và xác định trách nhiệm giữa 3 bên là chủ đầu tư, Tổng thầu Trung Quốc và phía Hà Nội.

Ngày 29/4, Tư vấn ACT đã ban hành chứng nhận an toàn hệ thống cho Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông. Bộ GTVT đã có báo cáo “nghiệm thu hoàn thành công trình xây dựng đưa vào sử dụng” và gửi tới Hội đồng nghiệm thu Nhà nước.

Advertisement
Advertisement

Hồi tháng 7 vừa qua, Bộ GTVT có văn bản gửi Hội đồng Kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng (KTNN), kiến nghị chấp thuận Hội đồng KTNN xem xét, chấp thuận kết quả nghiệm thu của chủ đầu tư.

Theo Bộ GTVT, công trình đã hoàn thành và nghiệm thu đảm bảo đúng quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế được duyệt, nội dung hợp đồng dự án, đảm bảo theo đúng công năng thiết kế và đáp ứng các chỉ tiêu vận hành theo tiêu chuẩn dự án; toàn bộ kết quả thực hiện, nghiệm thu đã được báo cáo Hội đồng KTNN theo quy định.

Bộ GTVT khẳng định có thể đưa công trình vào khai thác mà không cần giảm chỉ tiêu nào cho dù vẫn còn một số tồn tại và một số phát hiện được Tư vấn ACT khuyến cáo cải tiến nâng cao trong quá trình khai thác.

“Dự án được xác định đã hoàn thành đáp ứng được các tiêu chuẩn, thiết kế, quy định quản lý chất lượng hiện hành. Dự án đã được đánh giá, cấp chứng nhận an toàn hệ thống của Tư vấn ACT Pháp; đủ điều kiện an toàn cho vận tải hành khách theo xác nhận của Tư vấn Ricardo.

Dự án đáp ứng được các yêu cầu theo quy định hiện hành về an toàn phòng cháy chữa cháy, môi trường, đăng kiểm phương tiện, huấn luyện đào tạo. Toàn bộ dự án đã được nghiệm thu tổng thể hoàn thành và báo cáo Hội đồng KTNN” – Bộ GTVT cho hay.

Nguồn: Báo Dân Trí

Advertisement

error: Content is protected !!